Chết khiếp câu cá nghĩa địa về nhậu

3:19 AM |
Thú câu cá lạ lùng nơi nghĩa địa
Người Sài Gòn mê câu cá vì nó gắn với mảnh đất sông nước, nhiều kênh rạch này. Lựa thủy triều, những con cá lớn cứ thế ào ào bơi vào mấy con kênh trung tâm thành phố, cũng vì thế mà thú câu cá tự nhiên của người Sài Gòn ngày càng rầm rộ. Nhưng không như nhiều người chọn cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm hay xuôi về đến bến Bạch Đằng để bắt cần, thả dây… nhiều người lại chọn địa điểm có phần kì quặc là nghĩa trang Bình Hưng Hòa để làm nơi túc trực hôm khuya.
Mỗi ngày, có đến cả trăm lượt người tụ họp quanh chiếc ao nhỏ này, người câu, người chờ, người lặng lẽ hóng mát… khi xung quanh là hàng ngàn ngôi mộ.
Nhiều cần thủ mê cảm giác… rợn người thường gọi ao câu nằm ngay trong địa phận nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q. Tân Bình, TP. HCM) là “ao âm phủ”. Mỗi ngày, từ 2h chiều đến 9h tối, nhiều người lại rủ nhau đến đây câu. Dân quanh vùng và giới cần thủ thường gọi nơi đây với cái tên nghe có phần kì bí, đủ khiến người yếu tim lạnh sống lưng: “câu cá cõi âm”. Với diện tích khoảng 300m2, mặt tiền nằm trên đường Bình Long, ao câu này vốn là một vũng trũng dùng để trữ nước sau mưa cho cả vùng nghĩa trang rộng lớn.
Trước đây, nghĩa trang Bình Hưng Hòa có đến hai cái hồ lớn. Một cái nằm chính giữa ngay trung tâm nghĩa trang đã bị rút hết nước, cỏ mọc um tùm, còn cái hồ này thì chỉ bị rút bớt nước. Cứ mùa mưa đến, mưa lớn, nước từ nghĩa trang lại róc rách chảy về lênh láng. Chớp thời cơ, những chủ cần bắt đầu dựng lều, che dù, mắc võng đón cần thủ từ khắp nơi đến tìm thú vui thư giãn. Giá 30.000 đồng một giờ câu, cứ thế mà dần dần thu tiền của thiên hạ. Ông Tư (60 tuổi, chủ kinh doanh), một trong những người đã có sáng kiến mở ra dịch vụ “câu cá cõi âm” từ vài năm nay. Ông bảo, sống ở gần đây, thấy mỗi khi mưa xuống, hồ được “hứng” nước từ trên các ngôi mộ đổ về. Thấy hồ bỏ trống, nên ông đã nghĩ ra cách mua cá về thả rồi mở dịch vụ thuê cần và câu cá. Để phục vụ các cần thủ, ngoài ông Tư ra thì có vài hàng quán cũng mọc lên, bán những thứ đồ uống đơn giản như: cà phê, nước ngọt…

 Hầu hết những người đến đây câu cá vì tò mò hoặc tìm cảm giác lạ, muốn đến câu thử một lần cho biết. Họ có thể là những người sống quanh đó, hoặc cũng có khi vượt cả chục cây số chỉ đến đây thả câu, ngắm cần. Hồ rộng nên vị trí câu cũng thoải mái, một số lựa chỗ sạch sẽ, thoáng mát tránh xa khu mồ mả, số khác thì chọn nơi rác rưởi, dơ bẩn vì họ nghĩ những nơi đó cá hay tập trung tìm mồi.
Cứ thế, giữa hàng nghìn ngôi mộ lớn nhỏ, bên cạnh là đống rác lớn bốc mùi, đôi khi một làn gió nhẹ thổi ngược cũng khiến cả không gian hôi thối khó thở. Thế nhưng, các cần thủ vẫn bình thản chờ cá đớp mồi. Xung quanh hồ, còn có rất nhiều người đứng xem, chỉ có một điều lạ là dường như những người này chỉ đi một mình, không ai quen ai. Mỗi người mỗi nét mặt, mỗi suy nghĩ trầm ngâm nhìn xuống mặt nước phẳng lặng. Đêm xuống, trong không gian u tịch của “cõi âm”, giữa những ngôi mộ lổn nhổn, vài bóng người vẫn vật vờ bên cần câu. Như thể đang chờ đợi một điều gì đó mơ hồ từ thế giới xa xăm.
Đi câu nhưng không dám lấy cá
Lân la hỏi chuyện vài cần thủ để hiểu rõ thực hư nguyên do họ chọn nơi nghĩa địa u linh này làm nơi thả cần, anh Lê Hữu Đạt, một vị khách thường xuyên của dịch vụ “câu cá cõi âm” cho hay: “Thì quanh vùng đâu có con sông nào sạch sẽ để câu đâu, không ra nghĩa địa thì đi đâu bây giờ”, vừa nói anh vừa quăng câu ra mãi phía giữa hồ. Anh bảo: “Cần thủ ở đây hầu hết là dân không chuyên, chỉ dùng lưỡi câu đơn chứ không cầu kì. Nhiều nơi khác, họ dùng lưỡi chùm, lưỡi dĩa, lưỡi lục… chẳng khác gì chích điện là mấy. Hồi đầu, thấy tôi bảo đi câu ngoài nghĩa địa, nhiều bạn trẻ còn đùa “có khi nào thấy cá bay bay chứ không phải bơi bơi không?” Nghĩ cũng hơi ghê. Nói thế chứ nhiều người sợ không dám thả cần chứ không nói đến chuyện ngồi câu”.
Có lẽ, vì hồ nằm ngay cạnh nơi “cõi âm” vốn nổi tiếng với nhiều câu chuyện siêu linh, kì bí, cho nên nhiều người cũng coi đó là lí do để đến đây tìm cảm giác lạ hoặc để… thư giãn, giảm căng thẳng. “Có nhiều người vì buồn chán chuyện gì đó cũng đến đây câu cá giải sầu, có đêm còn không chịu về mà đi thẳng vào nghĩa trang ngủ một giấc cho đến sáng. Còn việc mấy người câu cá cứ thẫn thờ ôm cần cả buồi chiều mà chẳng giật câu lần nào thì nhiều lắm. Có bận, một anh uống vài lon bia rồi bắt đầu ngà ngà say, bước đi lảo đảo chới với như có ai muốn đẩy họ xuống nước. May mà có mấy anh câu cùng tóm lại”, chị Hương, bán nước giải khát quanh bờ hồ, cho hay.
Nếu như ở các con sông, nhiều người đi câu để kiếm cơm mong có vài con cá để ăn, để bán. Nhưng với “câu cá cõi âm” thì chỉ để cho vui, cho thư giãn chứ tuyệt nhiên không ai dám mang về chứ đừng nói đến chuyện ăn. Anh Đạt cho biết thêm, câu cho vui thôi chứ không ăn, cũng chẳng mang về hay đem cho hàng xóm mình cũng ngại.
Cho rồi, người ta ăn xong vui miệng hỏi cá câu ở đâu, mình bảo câu trong “nghĩa trang” chắc họ hận mình luôn quá. Thường thì cá câu được, anh và một số cần thủ mang qua bán cho chủ câu với giá khoảng 20.000đ/kg rồi họ làm gì thì làm. Đang nói, bỗng nhiên cần động, nhanh như chớp, anh Đạt giật xóc con cá đang ngáp ngáp dưới lòng hồ rồi kéo lên. Con cá nhỏ nhảy tưng hửng trên nền đất vì trót tham miếng mồi giả, sau một hồi giật lưỡi thì chết hẳn.
Anh quay sang nói tiếp chuyện: “Nói thế chứ, cá sống trong nước mồ, nước mả, có cho tiền cũng không dám ăn”. Ra là thế, người ta tìm đến Bình Hưng Hòa câu vì chẳng còn chỗ nào để câu nữa. Nhưng đi câu mà chẳng lấy cá, ấy vậy mà ngày ngày, xung quanh hồ lúc nào cũng có khoảng chục cần thủ trực chiến. Người vào, kẻ ra hiếm khi vắng khách.
Anh Đạt kể tiếp: Hồ câu ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng lạ như chính vị trí và dịch vụ câu cá ở đó. Mùa mưa thì nước lên rất cao, mùa khô thì không một giọt nước. Cá ở hồ câu hầu hết không phải là tự nhiên mà do các chủ câu tự thả xuống, lâu ngày tự sinh sôi rồi số lượng nhiều dần. Chủ yếu là loại cá tra, cá chim hay cá trê. Nhất là giống cá trê, lì lợm, lặng lẽ thường sống mãi dưới tầng đáy. Ai may mắn lắm mới câu được trê, con lớn cũng đến 1 ký.
Nói mới nhớ năm 2011 rộ lên thông tin cá trê khổng lồ thích sống trong mộ người chết. Thậm chí còn có gia đình để mộ chôn lâu năm, khi bốc mộ phát hiện khoảng chục con cá trê sống chui rúc trong đó, con nào con đấy to bằng cả bắp tay, nặng 1,5 – 2kg. Nghĩ đến đó thôi cũng khiến tôi sởn gai ốc.
Anh Bảy, một cần thủ đến từ Q. Tân Phú cho biết: “Cuối tuần rảnh rỗi, thỉnh thoảng tôi cũng sang đây câu. Đi một mình thôi chứ chẳng mang đâu có rủ được vợ đi cùng vì bả sợ, sợ ma sợ người sợ đủ thứ. Chứ riêng tôi thấy bình thường”. Thấy vậy, anh Phong, một “cần thủ” ngồi cạnh cũng tần ngần nói thêm: “Ở chỗ này, mỗi người mỗi nghề, nhưng đến đây thì đều như nhau hết”.
(Theo Khám phá)
Chi tiết >>…

Câu cá ở các sông, hồ tự nhiên

3:13 AM |
Ông Nguyễn Hải Sơn (46 tuổi) ở khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài) có kinh nghiệm 15 năm câu cá thường đến câu tại hồ Suối Cam. Sau 2 giờ, ông Sơn câu được 2 con rô phi và 1 cá chép. Ông chia sẻ: “Ngoài chọn địa điểm câu là những nơi có vật cản (cá sẽ tập trung nhiều) như cống nước, bụi cây, bờ kè, ghềnh đá thì cách làm mồi câu cũng quan trọng. Bởi mỗi loài cá bị hấp dẫn từ một loại mồi khác nhau: Cá trê thì giun đất; cá chim, cá trắm thì làm mồi bằng thức ăn gia cầm; cá tra thì ủ cơm; các loại cá khác thì dùng cám chim trộn với cơm nguội, bánh mì... Với kinh nghiệm đó, không khi nào tôi phải về tay không”.

Anh Hoàng Phi Hải ở khu phố Phú Thanh, phường Tân Phú chỉ thích câu cá tra nên anh đầu tư làm mồi công phu: Nấu chung hỗn hợp sữa tươi không đường, nước cốt dừa, phô mai, cơm rồi ủ trong hộp khoảng 5-7 ngày; lấy bánh mì móc vào lưỡi câu, sau đó bóp hỗn hợp cơm ủ này xung quanh mẩu bánh mì tạo thành mồi. Anh Hải cho biết, với 2 cần, một lần đi câu anh bỏ ra ít nhất 100 ngàn đồng tiền mồi (chưa kể chi phí cho những chuyến đi xa). Có ngày anh câu được hơn 7kg cá tra.
Anh Nguyễn Tấn Lộc (29 tuổi) làm nghề sửa chữa điện thoại ở ấp 3, xã Tiến Thành (TX. Đồng Xoài) mê câu cá đã 3 năm. Anh Lộc dành buổi sáng để làm việc, buổi chiều nhờ người trông cửa hàng để đến hồ Suối Cam câu cá. Anh Lộc chia sẻ: Chiều nào tôi cũng đi. Câu cá giúp tôi giữ được tâm hồn yên tĩnh. Anh cho rằng, câu ở hồ giải trí không thú vị bằng câu ở các sông, suối, hồ, đập tự nhiên.
Câu cá dịch vụ
Chỉ riêng thị xã Đồng Xoài đã có hàng chục hồ câu cá giải trí, như hồ Hương Đồng Nội (phường Tân Bình), hồ Anh Thư (phường Tân Đồng), hồ Thanh Lan (phường Tân Thiện)... Nhiều hồ cho khách đến câu cá và tính tiền theo giờ như hồ Thanh Lan, hồ Dân Hùng... Với mức giá khoảng 30 ngàn đồng/giờ, khách câu được bao nhiêu cá sẽ được đem về nên các hồ này thu hút nhiều người đến câu. Anh Lộc chia sẻ: Vào ngày mưa hoặc thời tiết xấu thì anh chuyển sang câu ở hồ Thanh Lan, vì ở đó có nhiều cá lớn.
Cũng có những hồ cho khách câu rồi tính tiền theo trọng lượng cá câu được (cá trê 40 ngàn đồng/kg; cá mè, rô phi 50 ngàn đồng/kg; cá chép 60 ngàn đồng/kg...). Những hồ này thường hoạt động theo phương thức “2 trong 1”: Phục vụ khách câu cá và phục vụ ăn uống. Anh Phạm Văn Ngọc (28 tuổi), chủ hồ câu cá giải trí Hương Đồng Nội cho biết: “Ngoài phục vụ khách câu cá, tôi còn thuê đầu bếp chế biến các món ăn khi khách có nhu cầu. Mặc dù không thú bằng câu ở sông, suối nhưng món ăn ngon, giá phải chăng nên khách vẫn thường xuyên”. Anh Lê Tấn Lượng ở khu phố Tân Trà 1, phường Tân Bình (TX. Đồng Xoài) cho biết, cuối tuần anh thường đưa cả nhà và rủ thêm bạn bè đi câu ở các hồ giải trí. Cá sẽ được đầu bếp chế biến thành các món ăn.
Ngoài dịch vụ câu cá giải trí cũng xuất hiện những điểm bán dụng cụ câu cá (cần câu, mồi...). Bà Nguyễn Thị Thu Hà (48 tuổi), chủ cửa hàng bán dụng cụ đánh bắt cá Thu Hà ở chợ Đồng Xoài cho biết: “Vào mùa mưa, số người đến cửa hàng mua cần câu cá và các dụng cụ đi kèm tăng rõ rệt. Có ngày tôi bán được hơn 50 cần câu, chưa kể những người mua dây cước và lưỡi câu về tự làm cần. Cần câu có 2 loại (cần câu tay và cần câu máy) nhưng đa dạng về độ dài (loại trung bình với cần câu tay có giá từ 45 đến 700 ngàn đồng, cần câu máy từ 350 ngàn đến 2 triệu đồng) nên khách hàng có nhiều lựa chọn”. 
Đi câu cá vào các ngày cuối tuần giúp tinh thần thoải mái sau những ngày làm việc căng thẳng. Bên cạnh đó, được gặp bạn bè tại các điểm giải trí này là điều mà nhiều người mong đợi.
Phương Thanh
Chi tiết >>…

Ra đảo câu cá thú vui ít ai sánh bằng

3:08 AM |
Ra đảo câu cá, ngắm trời đất mênh mang giữa trùng khơi… là thú vui của không ít người vào dịp cuối tuần.
Con thuyền 16 mã lực đưa nhóm 5 người rời đất liền, ra Cù Lao Chàm. Khu vực thả câu ven Hòn Dài và Hòn Mồ, cách Bãi Làng không xa. Nơi ấy có nhiều ghềnh đá và rặng san hô. Thuyền dập dềnh. Những cần câu móc mồi tôm, mực nhỏ, thả xuống, chờ đợi. Sóng xô, cần rung, thật hồi hộp! Sau nhiều lần kéo hụt, mất mồi, những chú cá sọ dừa, cá mú đầu tiên bị mắc câu, vùng vẫy chới với trên sàn thuyền.

Khoang thuyền lấp lánh sắc màu sặc sỡ của các loại cá bò, cá mú… dưới mặt trời đứng bóng. Một bữa tiệc hải sản thơm lừng canh chua cá mú còn tươi rói ăn với bún (đã chuẩn bị từ sáng) được dọn ra giữa tiếng sóng vây quanh mạn thuyền. Đức, một thành viên trong nhóm, cho biết câu cá biển hấp dẫn hơn nhiều so với câu ở sông, đồng. Vì cá biển phàm ăn, nhất là những loài cá sống dưới độ sâu từ 5-7m trong các rặng san hô và ghềnh đá như cá mú, sọ dừa, phèn râu... Khi cắn được mồi, cá thường lôi nhanh vào hốc đá hoặc san hô. Người câu phải nhanh chóng một tay ghìm cần tỳ chặt vào bụng, tay còn lại quay máy cuốn cước. Lôi được lên thuyền những con cá lớn cũng kỳ công. Người câu phải nhẹ nhàng dìu cá sát mạn thuyền, dùng vợt bắt cá. 

Mỗi chuyến đi câu của nhóm thường kéo dài qua đêm đến sáng hôm sau. “Câu đêm vừa có thể lai rai lại dễ câu được cá lớn. Người câu cũng không phải “tựa ngối ôm cần” vì mỗi cần câu đã được gắn một lục lạc nhỏ. Cá cắn câu, lục lạc sẽ rung báo hiệu”, Đức nói.
Đêm xuống, biển như thành phố nổi. Khơi xa nhìn vào đất liền, đèn điện trên những thuyến đánh cá ven bờ sáng rực một góc trời. Nằm dài trên thuyền dập dềnh sóng, chơi vơi như chiếc lá giữa mênh mông nước, ngắm sao trời, chờ cá cắn câu, nghe từng cơn gió thổi qua da thịt trong tiếng ru khẽ khàng của biển, tiếng lục lạc rung đứt quãng của những chú cá nhỏ rỉa mồi… thấy mình như một “trích tiên”.

Chuẩn bị cho một chuyến đi câu 2 ngày 1 đêm, ngoài mồi câu (vài ký tôm, mực), đá lạnh ướp cá, thuê thuyền..., thì đương nhiên dụng cụ không thể thiếu là cần câu. Theo Quý, một thành viên khác, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cần câu Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản..., giá xê dịch từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng tùy thương hiệu. Cần càng nhẹ, càng đắt tiền. Dân chuyên nghiệp thường chọn cần làm từ các chất liệu sợi thủy tinh đặc ruột hoặc sợi carbon tổng hợp. Cần câu bằng sợi carbon nhẹ, dẻo, độ bật cao, nhạy cảm nên kéo cá rất tốt… là loại cao cấp nhất với giá từ 5 đến 15 triệu đồng/cần. Ngoài ra, còn có các loại cần câu tay (không gắn máy câu) thường làm bằng graphitte hoặc sợi tổng hợp gồm nhiều đoạn nối nhau như cây ăng ten có thể vươn ra 3 - 8 mét, nhưng ít tay câu nào chọn vì câu cá biển không hiệu quả. Một bộ cần câu ưng ý, có thể câu được thì giá tối thiểu cũng phải từ 500 đến 5 triệu đồng/cần.

Câu cá biển là thú chơi đòi hỏi sự đam mê. Nó không chỉ tốn thời gian, tiền bạc mà cũng cần phải có lòng kiên nhẫn và một ít… can đảm. Mùa này vẫn thường thấy những nhóm người riêng lẻ đến từ Hội An, Đà Nẵng, hoặc khách vãng lai Sài Gòn, Hà Nội mang vác cồng kềnh thuê thuyền ra Cù Lao Chàm buông câu. Một tour câu cá với các dịch vụ ngắm hoàng hôn, trăng và bình minh trên biển dường như vẫn còn nằm đâu đó trong ý tưởng của các nhà kinh doanh du lịch! Còn bạn? muốn tìm chút cảm giác lạ, ngày đêm làm ông “lữ” giữa trùng khơi.(Theo baoquangnam.com.vn)
Chi tiết >>…

Kỹ thuật cơ bản về câu cá trên biển

3:00 AM |
Câu cá đã trở thành thú vui và niềm đam mê của nhiều người. Từ những người về hưu, Trí thức, Doanh nhân, công nhân, sinh viên, học sinh...Sau những ngày làm việc và học tập, căng thẳng, Cuối tuần rủ bạn bè, hoặc gia đình, mang cần ra sông, hồ, biển, hoặc các điểm dịch vụ câu cá, thả cần, chăm chú vào chiếc phao, giật được những chú cá từ nhỏ cho tới to, thật không có gì thú vị và sảng khoái hơn và con người cảm thấy gần thiên nhiên hơn. Đó là cách xả stress hữu hiệu nhất để tuần sau làm việc hiệu quả hơn. 

Đi câu ai chẳng mong mình câu được nhiều cá, nhưng để đạt được điều này, người đi câu phải có những kiến thức cơ bản từ việc mua và chọn cần câu và dụng cụ phụ trợ câu cá, phương pháp buộc dây, làm thẻo, làm mồi xả, mồi câu, cách móc mồi, sử dụng mồi cho từng loại cá. Quan trọng hơn cả là phương pháp câu cho từng bộ môn câu như: câu biển, câu sông, câu suối,câu hồ...v.v. và thủ thuật để câu được nhiều cá.
Hùng sẽ giới thiệu với các bạn những kiến thức cơ bản về câu cá. Bài viết được biên soạn nội dung từ việc dich thuật, học hỏi kinh nghiệm của nhiều người và kinh nghiệm bản thân, do vậy còn nhiều thiếu sót mong các bạn thông cảm và bổ xung thêm cho hoàn chỉnh để nhiều người có được kiến thức cơ bản về câu cá hoàn thiện nhất.
1/ Sức lôi cuốn của bộ môn câu cá trên biển.
Từ Móng cái cho đến tận mũi Cà Mau, Việt nam chúng ta có hơn 2000km bờ biển và một số đảo và quần đảo, nguồn hải sản rất phong phú và cũng có rất nhiều điểm câu đa dạng cho việc câu cá.
Mặc dù khoa học đã phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Các thiết bị câu biển rất hiện đại như máy định vị (GPS ) để lưu giữ tọa độ điểm câu, máy tầm ngư ( Fishfinder ) để dò được đàn cá, nhưng biển cả vẫn rất bí hiểm ở chỗ tả chẳng biết được con gì sẽ cắn câu và ta sẽ câu được con gì, hoặc vô tình ta câu được đúng chỗ có những dòng nước ngầm hội tụ là những chỗ có nhiều cá to. Vì vậy nó có sức lôi cuốn đến kỳ lạ.
Bãi câu biển là những nơi có rạng đá ngầm, bãi san hô, Các bờ đá, các cảng, cửa sông..... Ở những khu cực này có hàng trăm loại cá biển sinh sống, nhưng chỉ có một số loại cá hay cắn câu ( khoảng 50 loại ).
A/ Câu bờ biển ( Surfcasting )
Thường câu ở những khu vực có bãi cát trải dài từ bờ ra xa dần hàng km. đáy biển ở đây có những chỗ nông, sâu khác biệt do sóng biển tạo nên. Chỗ sâu là chỗ có nhiều cá tụ lại để tìm mồi, do vậy người câu phải nhận biết chỗ sâu hơn và nem mồi vòa đó thí mới có kết quả. Điều này đòi hỏi người câu phải có nhiếu giờ câu bờ thì mới nhận biết được bằng một dải sóng cuộn lên và chỗ không có sóng cuộn lên chính là điểm sâu hơn. Cần câu bờ chúng ta thường dùng là loại cần Carbon có khoen, dài từ 4m đến 5,4m Action từ 100 – 180gr, máy Spinning ( máy lăng xê ) từ 4000 trở lên, dây trục từ 0,4mm – 0,5mm. Thẻo dài 2m, lưỡi câu dùng loại vừa. Chì râu từ 100 – 150gr tùy theo mức độ sóng. Quan trọng nhất là phải có cây xỏ trùn biển để xuyên qua cả con trùn biển, sau đó luồn sang lưỡi câu. Chuẩn bị thêm một giá đỡ cần câu hoặc dùng ống nước bằng nhựa, đường kính 40mm, dài 1m để cắm cần câu. Sau khi thao tác xong, ném mồi vào chỗ sâu, kiểm tra mobil sao cho độ nhả cước vừa đủ, quấn dây hơi căng, gác cần vào giá và chờ đợi. Khi thấy đầu cần nhịp liên tục là có cá cắn câu, ta chỉ việc quay máy thu dây và cá vể.
Các loại cá câu được ở bộ môn náy gồm: cá đối cát, cá đù, cá tráp, cá vược, cá vòn.....
B/ Câu ở ghềnh đá ( ROCK ANGLING )
Câu ghềnh là câu ở trên các bờ đá nối với đất liền hoặc những mỏm đá ngoài khơi mà phải dùng tầu thuyền mới đến được, ở chỗ này hay có các dòng chảy xiết hoặc có sóng lớn đánh vào các mỏm đá ở dưới chân ghềnh. Vì vậy ở đó tập trung rất nhiều cá, tạo thành các điểm câu rất lý tưởng. Các loại cá thường ăn ở dưới các ghềnh đá như: cá dìa, cá mú, cá tráp, cá hồng..... Các loại cá được phân biệt cách ăn mồi là cá tầng giữa của nước và cá ở đáy đó là các loại cá tương đối lớn như cá song. Các loại cá ở tầng đáy có tính định cư lâu dài, chúng không dễ dang rời khỏi khu vực của mình nếu không có đe dọa chúng như hóa chất, con cá lớn hơn.....Các loài cá sống ở tầng giữa thì hay thay đổi vị trí theo mùa vụ và nhiệt độ của nước như cá tráp.... Câu ghềnh ở những mỏm đá ngoài khơi rất nguy hiểm khi thời tiết xấu, chúng ta không nên câu ở đó khi thời tiết xấu. Ở miền Bắc nước ta, các bãi câu ghềnh tốt như vịnh Hạ Long, Cát bà, Vân Đồn, Quan lạn, Hòn Dấu .....
Câu cá ở đây có hia phương pháp câu đó là câu trôi nổi và câu đáy.
Câu phao nổi: là câu dùng phao, có rất nhiều loại phao, cá cũng có rất nhiều loại khác nhau, vì vậy dùng các loại phao cũng khác nhau, đây là phương pháp đưa mồi từ trên mặt nước dần chìm xuống dưới. Setup một bộ phao để câu trôi nổi cũng không khó, chúng ta có thể dùng loại phao chính hình trứng có số 1B, 2B, 3B, 4B... và một phao phụ nhỏ hơn cũng có số tương ứng, phao chính ở phía trên, phao phụ ở dưới và cách phao chính khoảng 20-30cm. Hoặc ta dùng 2 phao xốp có lỗ xuyên tâm và 1 phao hình trứng ở trên, mồi phao cách nhau 20 – 25cm.
Câu Đáy: Là câu không dùng phao, dùng viên chì có lỗ xuyên tâm, trọng lượng tùy thuộc vào dòng chảy, dùng hạt chặn cao su giới hạn viên chì cách lưỡi câu khoảng 30 – 40cm.
Mồi câu: dùng tôm chết bóc vỏ, mực thái nhỏ, tôm sống và cà phốc càng tốt. Ngoài ra chúng ta phải bả thính để cho cá tập trung lại, mồi bả gồm tôm nhỏ khô, ngâm nước nóng cho nở ra, trộn với chạp mắm, bộ kết dính, bột gạo rang thơm, vỏ hà giã nhỏ... Trộn thật kỹ, dùng môi chuyên dụng để bả.
Cần câu: Câu ghềnh có thể dùng hai loại cần câu là cần tay và cần có lắp máy. Cần tay carbon dài từ 4,5m đến 9m, có số từ 1.5 đến 3.0, cước dùng loại cước nổi, thẻo flourcarbon. Cần carbon có lắp máy dài 4,5m số 3.0, khoen nhỏ, máy spinning hoặc máy rùa nhỏ từ 2000 đến 3000 dùng cước chìm nhanh, thẻo flourcarbon.
Trang thiết bị an toàn: Câu ghềnh thương nguy hiểm hơn các môn câu khác, trên thế giưới năm nào cũng có người chết vì bị sóng to gió lớn cuốn chìm xuống biển. Vì vậy đi câu ghềnh phải coi việc đảm bảo an toàn trước hết. Dùng áo phao cứu sinh có giây luồn qua háng để dảm bảo khi rơi xuống biển, áo không tụt qua đầu, giầy chống trơn trượt hoặc đế giầy có đinh để di chuyển dễ dàng trên ghềnh đá. Tốt nhất ta mang theo một cuộn dây dài và chắc, khi gặp thời tiết bất thường như giông chẳng hạn, ta buộc một đầu dây vào thắt lưng, đầu dây còn lại ta buộc chặt vào điểm cao nhất của ghềnh đá, nếu chẳng may ta bị sóng to đánh vào người thì ta không thể rơi xuống biển được.
C/ Câu cá ở tường chắn sóng và các cầu cảng.
Ở bộ môn câu này cũng mang đến cho chúng ta thú vị không kém gì so với câu ở ghềnh đá. Thực tế câu cá ở tường chắn sóng và các cầu cảng vẫn là câu ở phần mép của đất liền. Các loại cá câu được ở đây cũng giống như các loại cá câu bờ ( surfcasting ) và câu ở ghềnh ( rock angling ) và nhiều loại khác nữa như cá đù, cá vược, cá bạc má...
Câu ở tường chắn sóng và cầu cảng rất thuận tiện, đi lại dễ dàng, thoải mái và ít nguy hiểm hơn câu ghềnh. Ở đây ta cũng có thể câu đáy, câu nổi và câu surcasting, nhưng hạn chế câu ném xa vì có rất đông người đi câu ở đây.
- Cách Câu chìm dưới đáy: Đê chắn sóng, tường chắn sóng là những nơi chịu nhiều tác động của sóng và thủy triều, ở bên bờ đá thường có rất nhiều các loại rong rêu, động thực vật có thể làm mồi câu và có nhiều loại cá lớn kiếm mồi ở đây.. Chúng ta thường có quan niệm cho rằng cá hay bơi theo dòng thủy triều, nhưng thật ra có nhiều loại cá có thói quen bơi dưới đáy các vách đá. Trong các điểm câu đã nói ở trên, thích hợp nhất vẫn là câu đáy. Ngoài ra ở đê chắn sóng hoặc tường chắn sóng có các khối bê tông ba cạnh để giảm sóng, tạo ra rất nhiều chỗ cho cá ẩn nấp và săn mồi như cá song, cá mó.....
- Câu phao nổi: Dùng cần câu gắn máy, đã được setup phao, theo lưỡi đầy đủ, thả mồi vào dòng triều, xả mobil cho mồi trôi xa khoảng chục mét. Khoảng cách từ phao đến mồi câu tùy theo ở tầng cá ở, ta thử vài lần sẽ biết, ví dụ lần đầu ta để khoảng 10m, không thấy cá ăn, ta để tiếp 5m nữa có cá ăn và như vậy ta sẽ để hạt chặn phao ở 15m. ( phao chạy tự do từ khóa link số 8 cho đến hạt chặn phao )
Các loại cá thường ở xung quanh tường chắn sóng gồm: cá tráp, vược, bạc má...đa số chúng thường bơi lội ở tầng giữa của nước, khi câu phải dùng loại phao hình trứng tương đối nhạy, đặc biệt tiết diện dây thẻo và dây trục rất quan trọng, dây càng nhỏ càng tốt nhưng phải phù hợp sức nặng của cá, đặc biệt là dây thẻo, tốt nhất dùng dây fluorcarbon.
Đến điểm câu, lấy nước biển trộn với mồi xả, sau đó xả mồi xuống điểm câu. Mồi xả rất quan trọng, cách xả mồi sẽ ảnh hưởng đến kết quả câu. Khi có mồi xả xuống, cá tập trung ở xung quanh, móc mồi thả xuống chỗ xả mồi là cá cắn câu.
- Chuẩn bị dụng cụ để câu ở tường chắn sóng và cầu cảng.
Đối với các loại cá, thì tường chắn sóng và các cầu cảng là nơi ở dễ chịu nhất đối với chúng. Người mới học câu cá biển thì câu ở tường chắn sóng là thích hợp nhất, và cũng dễ chịu, thoải mái, có thể học những kỹ thuật từ đơn giản cho đến phức tạp. Ngoài ra muốn học được kỹ thuật cao hơn, có thể kêt hợp với phương pháp câu bờ và câu ghềnh.
Các dụng cụ cần mang theo: thùng đựng đá để giữ cá cho tươi, xô đựng mồi xả, hộp đựng mồi câu, môi xả mồi, thẻo câu, gầu múc nước, vợt bắt cá, phao và chì các loại...
Mang theo máy spinning từ 2000 đến 4000. Các loại cần thụt và cần ghép có khoen, dài từ 4m trở lên độ đàn hồi phù hợp với loại cá ở điểm câu, nếu cá nhỏ ta dùng loại cần có số từ 1.5 đến 3.0 nếu cá lớn hơn thì dùng từ số 3.5 trở lên.
D/ Câu cá biển trên thuyền
Trên thế giới, các cần thủ thuê thuyền ra biển câu là chuyện bình thường. Có 2 cách thuê thuyền phổ biến.
- Cách thứ nhất: thuyền câu với số người không nhất định, rất nhiều người cùng ngồi trên thuyền và cùng câu cá.
Loại đi chung thuyền giống như đi xe buýt, những người đi câu tập hợp lại theo thời gian và địa điểm qui định, trả tiền, lên thuyền và ra khơi câu cá, loại hình này chi phí thấp, nhưng các loại cá câu có hạn và không được tự do lựa chọn. Các chủ thuyền thường muốn số người đi thuyền càng đông càng tốt, do vậy thương rất chật chội.
- Cách thứ hai: cá nhân thuê bao sủ dụng một chiếc thuyền
Là phương thức được tự do lựa chọn, có thể cầu thời gian ra khơi, đưa đến nơi có loại cá mình thích câu, và cảm thấy thoải mái, không chật chội, do vậy đương nhiên chi phí sẽ cao hơn.
Các vị trí trên thuyền: phía bên phải của đoạn đầu thuyền, gọi là mạn thuyền phải, phía bên trái gọi là mạn thuyền trái, phía trước gọi là đầu thuyền, phần giữa là thân thuyền, đoạn sau gọi là đuôi thuyền. Trước khi lên thuyền phải thuộc vị trí và tên gọi của nó. Vì trước khi lên thuyền đa số có thể tự chon vị trí trên thuyền, nếu không biết vị trí và tên gọi của nó dễ tạo thành sự nhầm lẫn và vị trí tốt xấu trên thuyền cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả câu.
Ở các nước có du lịch câu cá phát triển, người ta chia khoảng cách đều 2m một chỗ ngồi và có đánh số thứ tự. Thông thường các số ghi trên thuyền tương đối có qui luật, không thay đổi theo các loại thuyền khác nhau. Vị trí đầu thuyền và sau thuyền là vị trí câu tốt và dễ câu được cá hơn những chỗ khác. Thuyền luôn lắc lư theo sóng, dễ làm cho người không quen bị say sóng. Nếu bạn nào bị say sóng thì tốt nhất uống thuốc chống say sóng 30 phút trước khi lên thuyền, ngoài ra ngủ không đủ, dạ dày có vấn đề cũng dễ bị say sóng, nên tránh ăn uống quá no trước khi lên thuyền, chỉ ăn vừa lưng dạ thôi. Ngồi ở các vị trí khác nhau ở trên thuyền, mức độ bị lắc lư theo sóng cũng khác nhau, phần giữa thuyền là ít bị lắc lư nhất, vì vậy người dễ bị say sóng nên ngồi ở giữa thuyền, còn đầu thuyền và đuôi thuyền bị lắc lư nhiều nhất thì dành cho những người không bị say sóng.
- Các công việc chuẩn bị trên thuyền: Sau khi đã ổn định chỗ ngồi, thuyền nhổ neo ra khơi. Lúc này là thời gian chuẩn bị đồ câu tốt nhất, lắp ráp cần câu, lắp máy, vào dây, ken thẻo..... sau đó cắm cần câu vào các lỗ có sẵn trên thuyền, kiểm tra lại kiệt mồi, thùng đá, găng tay....Khi đến điểm câu mọi người móc mồi và câu. Khi ở trên thuyền nhất nhất phải nghe theo lời của thuyền trưởng. Chú ý khi thuyền trên đường chạy đến điểm câu cá, thường chạy hết tốc lực, mọi người nên vào trong khoang để tránh khói, khi thuyền thả neo xong mới ngồi vào vị trí câu.
Độ sâu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc câu trên thuyền, các loại cá thường bơi đi bơi lại ở một độ sâu nhất định, cần phải đưa mồi xuống đến đáy mới câu được cá. Các máy câu có pin hoặc có ắc qui thi thương có bộ hiển thị độ sâu ở trên máy, mặc dù vậy vẫn phải tự mình đưa mồi xuống đúng độ sâu. Trước hết bật nẫy đưa máy ở trạng thái chạy tự do, khi thả chì và theo câu vào trong nước, chú ý lấy ngón tay cái ( bên tay cầm cần ) tỳ nhẹ vào trục cuốn cước để cho cước đi chậm lại khỏi bị rối. Khi thấy cước chùng lại là chì đã tiếp đáy, bật nẫy máy để máy trở về chế độ có phanh hãm, ta quấn lên 2 vòng tay quay ( khoảng gần 2m ) để tránh chì vướng vào đá ngầm, sau đó ngồi chờ tín hiệu cá cắn câu bằng cách lấy một ngón tay bên không cầm cần, nâng nhẹ dây cước để có cảm giác, khi thấy dây nhấp là ta đóng và kéo cần, hạ cần và cuốn dây cùng lúc để trục cá lên thuyền. Đối với những bãi câu nông từ 20m trở xuống, cá rất cảnh giác vưois bóng của thuyền, do vậy cố gắng ném mồi xa thuyền một chútthif sẽ có kết quả hơn. Nếu ném ra thật xa thì khi mồi chạm đáy ta quấn dây từ từ về phìa thuyền, như vậy sẽ làm tăng thêm độ sinh động của mồi câu.

( Nguồn fishing Hạ Long)
Chi tiết >>…

Cần câu cá Nhật Bản giá ưu đãi hấp dẫn nhất

7:46 AM |
Cần câu cá Nhật Bản giá ưu đãi hấp dẫn nhất là loại nào với mức giá bao nhiêu, bạn có thắc mắc không.

Câu cá đang trở thành một thú vui phổ biến. Nhiều người thường tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi của mình để đi câu cá hoặc đi tìm niềm vui với sở thích này trong lúc mệt mỏi vì công việc, cuộc sống.
Để có được một buổi đi câu thú vị thì thứ đầu tiên bạn phải trang bị cho mình một chiếc cần câu cá chất lượng. Bên nên thử tìm hiểu về Cần câu cá Nhật Bản vì những ưu điểm nổi bật của nó.
Cần câu cá Nhật Bản sở hữu độ bền, chắc chắnvànhỏ, gọn. Bạn sẽ khó mà bỏ qua sản phẩm cần câu cá này nếu đã vô tình nhìn thấy vì vẻ ngoài chắc chắn và đáng tin cậy của nó. Chế độ quay tự động của nó sẽ giúp việc sử dụng của bạn trở nên dễ dàng vô cùng, ngay cả với người mới bắt đầu tập câu cá. Với thiết kế nhỏ, gọn thật tiện cho bạn mang theo bên mình mà không sợ vướng víu. Các sản phẩm có xuất xứ từ Nhật Bản luôn được người tiêu dùng tin tưởng vì chất lượng và uy tín lâu năm, cần câu cá Nhật Bản cũng không nằm ngoài suy nghĩ đó. Nổi trội với dòng Máy câu cá Shimano Nhật Bản có độ bền cao, công suất và mã lực mạnh dã và đang chinh phục các tay câu chuyên nghiệp nhất vì những ưu điểm vượt trội của nó.
 Câu cá đang trở thành một sở thích văn minh vô cùng phổ biến hiện nay. Đây là một loại hình giải trí lành mạnh và rất tao nhã trong những giờ phút nghỉ ngơi. Bạn sẽ thoải mái hơn rất nhiều sau một buổi đi câu thú vị, nhưng cũng không tốt chút nào nếu bạn trở về từ một buổi đi câu không được vui vẻ gì vì gặp rắc rối với cần câu của mình. Vậy hãy tìm cho mình một chiếc máy câu cá thật tốt để có thể tận hưởng trọn vẹn buổi đi câu. Một chiếc Cần câu cá Nhật Bản có giá khá cao so với mặt bằng chung của các sản phẩm cùng loại, nhưng với chất lượng tuyệt vời của nó thì giá có mắc hơn cũng là điều đương nhiên. Tận dụng thời cơ, đang trong tháng bán hàng khuyến mãi, bạn hãy nhanh tay truy cập trang caganu.com để có cơ hội mua được một chiếc cần câu cá Nhật Bản với mức giá ưu đãi nhất trên thị trường. Đừng chần chừ quá lâu để vụt mất cơ hội vàng này, hãy truy cập và rinh về ngay cho mình một sản phẩm đồ dùng đi câu thật đúng ý mình nhé. Chúc bạn mua sắm thật vui vẻ và hài lòng với chiếc cần câu mà bạn chọn.
Chi tiết >>…

Hướng dẫn cách câu cá sông đơn giản mà hiệu quả

7:43 AM |
Câu cá sông đang là xu hướng đi câu của nhiều cần thủ vì trên cả nước, hệ thống sông ngòi khá dày đặc, thuận lợi cho việc tìm vị trí câu.

Không chỉ là bộ môn thi đấu dành cho các tín đồ đam mê cảm giác buông cần thả câu, mà ngày nay câu cá đã trở thành một trong những hoạt động thư giãn hiệu quả dành cho người yêu thích cảm giác bình yên, thư thái. Trong đó, chọn câu sông sẽ mang đến nhiều điều thú vị cho người tham gia và câu cá sông như thế nào còn phụ thuộc rất nhiều vào “tay nghề”
Câu sông là loại hình câu khá phổ biến thu hút rất nhiều dân câu tìm đến những con sông rộng lớn để thỏa sức chinh phục nguồn thủy sản dồi dào ẩn mình dưới lòng nước. Tuy nhiên, để đi câu đạt hiệu quả cao, bạn cần phải nắm rõ cách câu cá sông để từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp.
 


Một số loại cá sông yêu thích của dân câu

Nhắc đến câu sông, nhiều cần thủ sẽ nghĩ ngay đến rất nhiều loại cá quen thuộc như cá chép, cá chim, cá tra, cá lóc, cá bông lau, cá ngạnh,...tùy vào sở thích, người đi câu sẽ chọn một loại cá cụ thể để việc chuẩn bị cần câu và mồi câu chính xác, gia tăng hiệu quả cho buổi câu.

Điểm câu sông

Câu cá sông tại những vị trí cố định không còn là lựa chọn phù hợp đối với cần thủ, vì theo con nước, theo từng thời điểm mà địa điểm tập trung của cá có nhiều thay đổi.

Một số vị trí câu sông thuận lợi mà dân câu có kinh nghiệm lựa chọn là đoạn ngã ba sông, nơi hợp nhất các dòng chảy, các chỗ lõm, khu vực đá tảng,...

Dụng cụ đi câu

Chọn cần câu sông phù hợp có chiều dài khoảng 1.8 – 3m là lý tưởng nhất để câu được nhiều cá. Bạn nên mua những loại cần chất lượng, cá độ bền cao và có khả năng thách thức nhiều loại mồi khác nhau.
Chọn mồi câu

Mỗi loài cá yêu thích một loại mồi khác nhau, từ đó đòi hỏi người đi câu phải nắm rõ đặc tính và xu hướng cắn mồi của cá. Đối với cá có thói quen rỉa mồi thì bạn nên chọn thức ăn có độ dai, không bị mềm và rã ra khi gặp nước. Nếu là loại cá ăn tạp, việc chuẩn bị mồi đơn giản hơn, nhưng bạn nên chọn món mồi càng hấp dẫn càng tốt.
Chúc bạn thành công với hoat động câu cá sông thú vị và làm đầy giỏ cá với những chú cá to khỏe.
 
Chi tiết >>…

Câu cá kiểu Hàn Quốc

7:38 AM |
Hàng ngàn người tập trung trên dòng sông băng giá. Họ đào những hố nhỏ, nằm dài xuống băng, thậm chí thò tay xuống làn nước lạnh cóng để câu cá.

Mùa đông với những mặt sông đóng băng còn là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội vui lạ ở nhiều nơi trên thế giới. Một trong những sự kiện thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia là lễ hội cá hồi núi Hwacheon, diễn ra trên sông Hwacheon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc.
Theo Daily Mail, từ đầu tháng Một, mỗi ngày có hàng ngàn du khách và dân địa phương tập trung trên mặt sông đã đông cứng để tham gia nhiều trò chơi như trượt băng, điêu khắc băng, đá bóng trên băng và đặc biệt là thi câu cá hồi trên băng.
Có thể nói đây là một trong những màn câu cá độc đáo nhất thế giới. Người câu sẽ đào mặt băng thành những cái hố nhỏ. Sau đó họ sẽ thả câu xuống. Có người còn nằm úp trên mặt băng và thò tay xuống dòng nước lạnh giá để vợt cá.
Để đảm bảo lượng cá cho thú tiêu khiển của hàng ngàn du khách, mỗi ngày ban tổ chức thả xuống lòng sông khoảng 32 tấn hồi sống.
Lễ hội kéo dài đến ngày 26.1. Ban tổ chức hy vọng thu hút một triệu du khách trong suốt ba tuần lễ hội.

Chi tiết >>…

Săn cá khủng ở côn đảo

7:34 AM |
Lịch đã lên, “súng, đạn” đã sẵn sàng, những tay câu cá thể thao chuyên nghiệp của Sài Gòn và một số tỉnh thành khác đang nóng lòng chờ ăn cái tết xong là lại vào mùa săn cá “khủng” ở Côn Đảo. Bởi chỉ có Côn Đảo là nơi thoả mãn được niềm đam mê câu kéo bất tận của họ...

Những tay câu lão luyện trong “nghề chơi” lắm công phu này, như “lão tướng” Hồ Văn Hán, Tuấn Hàng Xanh, Hưng Cận... hẳn phải đã có làm một kỷ mười năm ngày bắt đầu khám phá và chinh phục đàn cá dữ ở Côn Đảo vào năm ngoái. Chính vì vào năm 2003, một cơ duyên đã đưa thuyền trưởng Trần Văn Khánh, một dân câu chuyên nghiệp ở Côn Đảo và các tay câu tài tử này (lúc ấy) gặp nhau.
Các thành viên của câu lạc bộ câu cá Bốn số chín (4so9) kể trên hẳn còn nhớ đến cái lúc cứ thả mồi xuống là cá cắn câu gục cả đầu cần. Những chuyến câu kéo dài tuần lễ hay mười bữa là chuyện thường. Câu đến chán chê mê mỏi, với thành quả dồn lại cả chuyến của cỡ bốn, năm tay câu là đến cả... tấn cá!
Cái cảm giác mạo hiểm, chinh phục có khá đầy đủ hương vị như của lão ngư người Cuba trong “Ngư ông và biển cả” của Hemingway! Có tiếng rít xé gió của dây câu, có tiếng ro ro của mobin tuôn dây, có những cuộc chiến diễn ra hàng giờ với các loài “thuỷ quái” như trong những tập phim River Monsters trên truyền hình...

Những kỷ lục

Rất nhiều kỷ lục câu cá bằng cần của các cần thủ Việt Nam được thực hiện ở Côn Đảo. Người nắm giữ kỷ lục ấy chắc chắn là “lão tướng” Hồ Văn Hán với con cá đuối nặng hơn một tạ vào khoảng năm 2008. Như trong các bộ phim “kinh dị” về câu cá khủng của nước ngoài, con cá đuối này đã buộc thuyền trưởng Khánh phải kéo neo nổ máy nương theo. Sau hàng giờ đánh vật, “chiếc phảng” của đại dương này mới chịu khuất phục và được đưa lên, nằm chiếm trọn cả một phần ba boong tàu.
Người phá sâu các kỷ lục về câu cá mú trước đó là tay câu Huỳnh Phong của thành phố Biên Hoà, thực hiện vào tháng 6.2011. Đó là thời điểm tay câu này thử nghiệm một kiểu câu nửa chìm nửa nổi và tình cờ bắt được chú cá mú có trọng lượng sau khi đã cấp đông vài ngày và đưa về... nhà hàng là 54 kg.
Cần phải biết cá mú lớn là loài rất khó câu được, vì chúng rất mạnh mẽ và thường có hang hoặc sống ẩn vào các xác tàu đắm, khi dính câu thường chạy trở vào hang làm đứt dây câu. Cá to dĩ nhiên sẽ tuôn dây cho bằng hết, và chỉ có cách nhổ neo nổ máy đuổi theo là mới có khả năng bắt được chúng. Và cũng phải qua một quá trình đánh vật với ba, bốn tay câu cả giờ thay phiên nhau chiến đấu với loài “thuỷ quái” này...
Đối với các tay câu, việc đạt được một kỷ lục về một loại cá nào đó chính là một hạnh phúc mà họ có thể kể đến... đời con, đời cháu. Như tay câu Hưng Cận, người còn giữ kỷ lục câu được con cá thu dài gần hai mét, nặng đến 20 kg...

Manh nha môn thể thao câu cá

Hiện nay, có lẽ chỉ ở Côn Đảo thì môn thể thao câu cá mới được tổ chức tương đối bài bản. Từ chiếc ghe câu của thuyền trưởng Khánh, hiện nay riêng kiểu tổ chức dịch vụ câu cá như kể trên, đã có thêm đến 3 ghe câu. Tất nhiên, cả 4 ghe câu này chỉ là những chiếc ghe đánh bắt thông thường như các loại tàu ghe truyền thống chứ không phải là các loại du thuyền chuyên dụng như nước ngoài.
Một điều dĩ nhiên nữa là các tay câu Việt Nam chưa thể đạt đẳng cấp “catch and release” (câu và thả) như các tay câu thể thao nước ngoài. Mấy năm trước, câu lạc bộ Bốn số chín đã từng chuẩn bị một cuộc thi câu cá quy mô tại Côn Đảo, nhưng khi thực hiện thì gặp một số trở ngại kỹ thuật nên đã tạm ngưng.
Chỉ có thể là Côn Đảo thì mới phát triển được môn thể thao câu cá, vì vùng biển này khá gần bờ nhưng vẫn tương đối còn giữ được sự nguyên vẹn môi trường sinh thái biển. Thế nhưng, thông tin từ những mùa câu gần đây cho thấy, lượng cá đang có khuynh hướng giảm dần.
Mùa săn cá khủng sắp bắt đầu, nhưng có lẽ sẽ khó khăn hơn cho các cần thủ...
Chi tiết >>…

Câu được cá chép khủng nặng 10 kg

7:20 AM |
(Tin Nóng) Nhắc chuyện vừa câu cá chép "khủng" nặng 10 kg ngày 25.1, anh Nguyễn Thúc Hưng (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cười và nói thêm: “Con này nhằm nhò gì, năm trước mình đã từng câu được cá chép vàng “khủng” hơn nhiều, nặng tới 17 kg”.

Chiều tối 25.1, ngôi nhà anh Nguyễn Thúc Hưng, ngụ đường Trần Hưng Đạo, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vui như hội, khi bạn bè nghe tin anh vừa câu được con cá chép vàng nặng hơn 10 kg.
Nhiều người tới xem tận mắt, sờ tận tay con cá chép khủng mà anh Hưng và nhóm bạn vừa chở từ huyện Di Linh (Lâm Đồng) về nhà. Con cá chép vàng có chiều dài khoảng 75 cm, bề ngang hơn 30 cm, nặng 10 kg.
Anh Hưng là người đam mê câu cá từ nhỏ, thời gian rảnh anh và nhóm bạn câu đi khắp các hồ nước trong tỉnh Lâm Đồng để câu cá cốt để thỏa chí đam mê. Nhiều lần nhóm bạn câu lái xe máy băng hàng trăm cây số đến các hồ thủy điện, hồ tự nhiên ở các tỉnh khác để câu cá.
Chủ nhật 25.1 là ngày nghỉ nên anh cùng nhóm bạn đến thả câu tại một hồ tự nhiên ở huyện Di Linh (Lâm Đồng). Thả câu được một lúc, anh Hưng cảm thấy cần câu bị lôi với một lực rất mạnh. Biết câu trúng cá lớn, anh gọi bạn bè lại trợ giúp vì sợ cá “khủng” vùng mạnh làm đứt cước và xổng mất. Nhóm bạn câu cùng anh Hưng phải mất một thời gian khá lâu mới kéo được con cá “khủng” lên bờ.
Người dân sống gần hồ này cho biết có những người từng câu được cá trắm, cá mè nặng 20 - 30 kg, nhưng đây là lần đầu có người câu được cá chép vàng to và nặng trên 10 kg thế này.
Thấy mọi người trầm trồ con cá chép vàng nặng 10 kg, anh Hưng cười và nói: “Con này nhằm nhò gì, năm trước mình đã từng câu được cá chép vàng “khủng” hơn nhiều, nặng tới 17 kg”.
Sau khi để mọi người chiêm ngắm cá chép vàng “khủng”, anh Hưng quyết định xẻ thịt để mời bạn bè và hàng xóm cùng thưởng thức hương vị ngọt ngào của cá chép vàng.

Chi tiết >>…