Mỗi ngày, có đến cả trăm lượt người tụ
họp quanh chiếc ao nhỏ này, người câu, người chờ, người lặng lẽ hóng
mát… khi xung quanh là hàng ngàn ngôi mộ.
Nhiều cần thủ mê cảm giác… rợn người thường gọi ao câu nằm ngay trong
địa phận nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q. Tân Bình, TP. HCM) là “ao âm
phủ”. Mỗi ngày, từ 2h chiều đến 9h tối, nhiều người lại rủ nhau đến đây
câu. Dân quanh vùng và giới cần thủ thường gọi nơi đây với cái tên nghe
có phần kì bí, đủ khiến người yếu tim lạnh sống lưng: “câu cá cõi âm”.
Với diện tích khoảng 300m2, mặt tiền nằm trên đường Bình Long, ao câu
này vốn là một vũng trũng dùng để trữ nước sau mưa cho cả vùng nghĩa
trang rộng lớn.
Trước đây, nghĩa trang Bình Hưng Hòa có đến hai
cái hồ lớn. Một cái nằm chính giữa ngay trung tâm nghĩa trang đã bị rút
hết nước, cỏ mọc um tùm, còn cái hồ này thì chỉ bị rút bớt nước. Cứ mùa
mưa đến, mưa lớn, nước từ nghĩa trang lại róc rách chảy về lênh láng.
Chớp thời cơ, những chủ cần bắt đầu dựng lều, che dù, mắc võng đón cần
thủ từ khắp nơi đến tìm thú vui thư giãn. Giá 30.000 đồng một giờ câu,
cứ thế mà dần dần thu tiền của thiên hạ. Ông Tư (60 tuổi, chủ kinh
doanh), một trong những người đã có sáng kiến mở ra dịch vụ “câu cá cõi
âm” từ vài năm nay. Ông bảo, sống ở gần đây, thấy mỗi khi mưa xuống, hồ
được “hứng” nước từ trên các ngôi mộ đổ về. Thấy hồ bỏ trống, nên ông đã
nghĩ ra cách mua cá về thả rồi mở dịch vụ thuê cần và câu cá. Để phục
vụ các cần thủ, ngoài ông Tư ra thì có vài hàng quán cũng mọc lên, bán
những thứ đồ uống đơn giản như: cà phê, nước ngọt…
Hầu hết những người đến đây câu cá vì tò mò hoặc tìm cảm giác lạ,
muốn đến câu thử một lần cho biết. Họ có thể là những người sống quanh
đó, hoặc cũng có khi vượt cả chục cây số chỉ đến đây thả câu, ngắm cần.
Hồ rộng nên vị trí câu cũng thoải mái, một số lựa chỗ sạch sẽ, thoáng
mát tránh xa khu mồ mả, số khác thì chọn nơi rác rưởi, dơ bẩn vì họ nghĩ
những nơi đó cá hay tập trung tìm mồi.
Cứ thế, giữa hàng nghìn
ngôi mộ lớn nhỏ, bên cạnh là đống rác lớn bốc mùi, đôi khi một làn gió
nhẹ thổi ngược cũng khiến cả không gian hôi thối khó thở. Thế nhưng, các
cần thủ vẫn bình thản chờ cá đớp mồi. Xung quanh hồ, còn có rất nhiều
người đứng xem, chỉ có một điều lạ là dường như những người này chỉ đi
một mình, không ai quen ai. Mỗi người mỗi nét mặt, mỗi suy nghĩ trầm
ngâm nhìn xuống mặt nước phẳng lặng. Đêm xuống, trong không gian u tịch
của “cõi âm”, giữa những ngôi mộ lổn nhổn, vài bóng người vẫn vật vờ bên
cần câu. Như thể đang chờ đợi một điều gì đó mơ hồ từ thế giới xa xăm.
Đi câu nhưng không dám lấy cá
Lân
la hỏi chuyện vài cần thủ để hiểu rõ thực hư nguyên do họ chọn nơi
nghĩa địa u linh này làm nơi thả cần, anh Lê Hữu Đạt, một vị khách
thường xuyên của dịch vụ “câu cá cõi âm” cho hay: “Thì quanh vùng đâu có
con sông nào sạch sẽ để câu đâu, không ra nghĩa địa thì đi đâu bây
giờ”, vừa nói anh vừa quăng câu ra mãi phía giữa hồ. Anh bảo: “Cần thủ ở
đây hầu hết là dân không chuyên, chỉ dùng lưỡi câu đơn chứ không cầu
kì. Nhiều nơi khác, họ dùng lưỡi chùm, lưỡi dĩa, lưỡi lục… chẳng khác gì
chích điện là mấy. Hồi đầu, thấy tôi bảo đi câu ngoài nghĩa địa, nhiều
bạn trẻ còn đùa “có khi nào thấy cá bay bay chứ không phải bơi bơi
không?” Nghĩ cũng hơi ghê. Nói thế chứ nhiều người sợ không dám thả cần
chứ không nói đến chuyện ngồi câu”.
Có lẽ, vì hồ nằm ngay cạnh nơi
“cõi âm” vốn nổi tiếng với nhiều câu chuyện siêu linh, kì bí, cho nên
nhiều người cũng coi đó là lí do để đến đây tìm cảm giác lạ hoặc để… thư
giãn, giảm căng thẳng. “Có nhiều người vì buồn chán chuyện gì đó cũng
đến đây câu cá giải sầu, có đêm còn không chịu về mà đi thẳng vào nghĩa
trang ngủ một giấc cho đến sáng. Còn việc mấy người câu cá cứ thẫn thờ
ôm cần cả buồi chiều mà chẳng giật câu lần nào thì nhiều lắm. Có bận,
một anh uống vài lon bia rồi bắt đầu ngà ngà say, bước đi lảo đảo chới
với như có ai muốn đẩy họ xuống nước. May mà có mấy anh câu cùng tóm
lại”, chị Hương, bán nước giải khát quanh bờ hồ, cho hay.
Nếu như ở các con sông, nhiều người đi câu để kiếm cơm mong có vài
con cá để ăn, để bán. Nhưng với “câu cá cõi âm” thì chỉ để cho vui, cho
thư giãn chứ tuyệt nhiên không ai dám mang về chứ đừng nói đến chuyện
ăn. Anh Đạt cho biết thêm, câu cho vui thôi chứ không ăn, cũng chẳng
mang về hay đem cho hàng xóm mình cũng ngại.
Cho rồi, người ta ăn
xong vui miệng hỏi cá câu ở đâu, mình bảo câu trong “nghĩa trang” chắc
họ hận mình luôn quá. Thường thì cá câu được, anh và một số cần thủ mang
qua bán cho chủ câu với giá khoảng 20.000đ/kg rồi họ làm gì thì làm.
Đang nói, bỗng nhiên cần động, nhanh như chớp, anh Đạt giật xóc con cá
đang ngáp ngáp dưới lòng hồ rồi kéo lên. Con cá nhỏ nhảy tưng hửng trên
nền đất vì trót tham miếng mồi giả, sau một hồi giật lưỡi thì chết hẳn.
Anh
quay sang nói tiếp chuyện: “Nói thế chứ, cá sống trong nước mồ, nước
mả, có cho tiền cũng không dám ăn”. Ra là thế, người ta tìm đến Bình
Hưng Hòa câu vì chẳng còn chỗ nào để câu nữa. Nhưng đi câu mà chẳng lấy
cá, ấy vậy mà ngày ngày, xung quanh hồ lúc nào cũng có khoảng chục cần
thủ trực chiến. Người vào, kẻ ra hiếm khi vắng khách.
Anh Đạt kể
tiếp: Hồ câu ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng lạ như chính vị trí và
dịch vụ câu cá ở đó. Mùa mưa thì nước lên rất cao, mùa khô thì không một
giọt nước. Cá ở hồ câu hầu hết không phải là tự nhiên mà do các chủ câu
tự thả xuống, lâu ngày tự sinh sôi rồi số lượng nhiều dần. Chủ yếu là
loại cá tra, cá chim hay
cá trê. Nhất là giống cá trê, lì lợm, lặng lẽ
thường sống mãi dưới tầng đáy. Ai may mắn lắm mới câu được trê, con lớn
cũng đến 1 ký.
Nói mới nhớ năm 2011 rộ lên thông tin cá trê khổng
lồ thích sống trong mộ người chết. Thậm chí còn có gia đình để mộ chôn
lâu năm, khi bốc mộ phát hiện khoảng chục con cá trê sống chui rúc trong
đó, con nào con đấy to bằng cả bắp tay, nặng 1,5 – 2kg. Nghĩ đến đó
thôi cũng khiến tôi sởn gai ốc.
Anh Bảy, một cần thủ đến từ Q.
Tân Phú cho biết: “Cuối tuần rảnh rỗi, thỉnh thoảng tôi cũng sang đây
câu. Đi một mình thôi chứ chẳng mang đâu có rủ được vợ đi cùng vì bả sợ,
sợ ma sợ người sợ đủ thứ. Chứ riêng tôi thấy bình thường”. Thấy vậy,
anh Phong, một “cần thủ” ngồi cạnh cũng tần ngần nói thêm: “Ở chỗ này,
mỗi người mỗi nghề, nhưng đến đây thì đều như nhau hết”.
(Theo Khám phá)
Bình luận[ 0 ]
Post a Comment